Việt Nam đang là một trong 10 quốc gia có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, điều này khiến chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều thách thức như các vấn đề về dân sinh, phúc lợi cho người cao tuổi, các vấn đề về di cư...
Già hóa dân số là một thành tựu xã hội to lớn của loài người và của mỗi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điều này sẽ làm cho gánh nặng kinh tế và xã hội tại các nước trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có những bước chuẩn bị và thực hiện các chiến lược, chính sách thích ứng. Tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ tác động tới nhiều lĩnh vực đời sống xã hội như hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hệ thống an sinh xã hội, việc làm, tuổi nghỉ hưu, quan hệ gia đình, tâm lý, lối sống… đặt ra yêu cầu, thách thức là cần phải xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số” của đất nước.
Đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số “siêu già”.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh liên tục (Chỉ số già hoá dân số từ 18,2% năm 1989 tăng lên 44,6% năm 2014), nhanh hơn 06 năm so với dự báo và khả năng chỉ mất khoảng 20 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn cấu trúc dân số già. Theo nhận định của Liên Hợp Quốc, từ nay đến 2050, Việt Nam thuộc top 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Ước tính đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số “siêu già” giống Nhật Bản hiện nay với hơn 32 triệu người cao tuổi, chiếm 31% tổng dân số.
Cùng với đó, đặc điểm đặc trưng của người cao tuổi ở Việt Nam là sức khỏe yếu, thu nhập thấp và không ổn định, phần đông sống ở nông thôn, đời sống vật chất còn nghèo, sống dựa vào con cháu; đời sống tinh thần đơn điệu, buồn tẻ, đồng thời cũng chưa có thói quen để chuẩn bị tâm thế sống xa gia đình trong các trung tâm chăm sóc người cao tuổi chính vì thế hăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong đời sống xã hội luôn là những định hướng chính sách được Đảng và Nhà nước quan tâm và thực hiện trong các giai đoạn phát triển của đất nước. Bên cạnh những định hướng chung này, hàng loạt các luật, chính sách được thông qua nhằm đảm bảo đời sống kinh tế, đời sống xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng đã được ban hành và thực hiện.
Hầu hết người cao tuổi đều cần hỗ trợ những công việc việc cơ bản
Nhiều nghiên cứu về hoạt động của người cao tuổi chỉ ra rằng, người cao tuổi thường hay gặp phải các hội chứng đặc trưng như dễ bị tổn thương, suy giảm nhận thức, suy dinh dưỡng, rối loạn hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm ...khiến họ mất hoặc suy giảm tính độc lâp trong hoạt động chức năng hằng ngày. Do đó, hầu hết người cao tuổi cần sự trợ giúp trong các hoạt động cơ bản như tắm, mặc quần áo, đi vệ sinh, di chuyển, đại tiểu tiện không tự chủ, ăn uống và cần sự trợ giúp trong các hoạt động có sử dụng công cụ, dụng cụ như sử dụng điện thoại, mua bán, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, sử dụng phương tiện giao thông.
Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi
Thực trạng thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi đang ở mức báo động
Trước thực trạng dân số ngày càng già hóa, việc thiếu nhân lực, thiếu điều dưỡng chăm sóc là một trở ngại trong công tác chăm sóc người cao tuổi. Hiện nay, Việt Nam chưa có hệ thống nhân lực chăm sóc người cao tuổi. Việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà hoặc thuê những người chăm sóc không chuyên nghiệp với mức chi phí khá cao mà chất lượng thì không thực sự đảm bảo vì hầu hết những người được thuê chăm sóc người cao tuổi trong các gia đình đều không có chuyên môn, không được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng chăm sóc.
Với tình hình trên, nhu cầu cần có một đội ngũ nhân viên chăm sóc người cao tuổi đáp ứng đủ tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng, được đào tạo chuyên môn bài bản, được cấp chứng nhận hành nghề là vô cùng lớn. Đây cũng sẽ là một cánh cửa rộng mở hứa hẹn cơ hội nghề nghiệp ổn định cho những học viên theo học các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân viên chăm sóc người cao tuổi trong cả nước trong giai đoạn hiện nay.