Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, và hệ thống sông ngòi phong phú nên đuối nước luôn là hiểm họa rình rập mọi người, nhất là trẻ em. Ngoài việc cần có các biện pháp phòng ngừa chủ động tránh trẻ bị đuối nước, việc sơ cứu đuối nước ở trẻ em như thế nào cho đúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại nhiều cơ hội sống sót hơn cho trẻ
SƠ CỨU TRẺ EM BỊ ĐUỐI NƯỚC
------------------------------------------------
1. Dấu hiệu nhận biết
- Trẻ đang chới với dưới nước hoặc sắp có nguy cơ bị chìm. Nạn nhân có dấu hiệu bị sặc nước: ho dữ dội, sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím, khó thở hoặc ngừng thở.
- Trẻ bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim.
2. Nguyên nhân
Trẻ thường bị đuối nước do các nguyên nhân như:
- Bị úp mặt vào nước không tự thoát ra được.
- Bị rơi hoặc ngã xuống chỗ nước sâu, xoáy nguy hiểm.
- Không biết bơi.
- Bị chuột rút khi đang bơi, đang ở dưới nước.
- Do thiên tai, lũ lụt.
- Môi trường sống trong gia đình và cộng đồng không an toàn: bể nước, giếng không nắp, ao, hồ,…
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đuối nước
3. Nguy cơ và phương pháp xử trí
Nguy cơ: trẻ bị đuối nước sẽ dẫn đến ngạt thở, ngừng tim dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng phương pháp
Trước tiên cần tìm cách tiếp cận và đưa trẻ lên bờ an toàn, luôn nhớ gọi thêm mọi người xung quanh hoặc gọi nhân viên cứu hộ, cán bộ y tế giúp đỡ. Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước áp dụng quy trình ABCDE trong sơ cứu đuối nước, thực hiện các bước:
- A: Kiểm tra tình trạng đường thở
- B: Kiểm tra sự thở (hô hấp)
- C: Kiểm tra tuần hoàn (mạch)
- D: Kiểm tra thàn kinh, sự tỉnh táo
- E: Bộc lộ toàn thân nạn nhân, kiểm tra các tổn thương khác
Áp dụng quy trình ABCDE trong sơ cứu đuối nước
4.1. Đối với trường hợp trẻ còn tỉnh
- Cởi bỏ quần áo ướt, lau khô, ủ ấm cho trẻ (Vì hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh)
- Cho trẻ uống nước đường để phòng hạ đường huyết
- Nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế
4.2. Đối với trường hợp trẻ bất tỉnh
- Gọi người đến trợ giúp
- Nhanh chóng đánh giá trẻ theo quy trình ABCDE
- Trường hợp 1: Nếu trẻ bất tỉnh, còn thở, còn mạch, kiểm tra các tổn thương khác, cởi bỏ quần áo ướt,lau khô, ủ ấm, sau đó đưa trẻ về tư thế nằm nghiêng an toàn. Nếu nghi ngờ chấn thương cột sống tuyệt đối không được đưa trẻ về tư thế nằm nghiêng an toàn
- Trường hợp 2: Nếu trẻ bất tỉnh, không thở, không có mạch thì tiến hành thổi ngạt 2 lần (Vì ở người đuối nước bị ngừng tim thường do thiếu oxy). Sau đó ép tim và thổi ngạt theo quy trình (Thực hiện: 30 lần ép tim với tần suất 100 lần/ phút, độ sâu 1/3 bề dày thành lồng ngực, tiếp đó thổi ngạt 2 lần. Thực hiện liên tiếp 5 chu kỳ thì dừng lại kiểm tra thở và mạch của trẻ)
+ Sau khi trẻ có thở, có mạch trở lại, đánh giá sự tỉnh táo của trẻ và kiểm tra các tổn thương khác như: gãy xương, chảy máu,….để sơ cứu trước khi chuyển đến cơ sở y tế.
Lưu ý:
- Không làm nghiệm pháp Heimlich và dốc ngược trẻ vì sẽ làm chậm chễ trong việc cứu sống trẻ. Lý do, khi bị đuối nước thường nạn nhân sẽ bị ngạt thở dẫn tới ngừng thở, ngừng tim do vậy việc đầu tiên là phải khai thông đường thở, thổi ngạt và ép tim cho nạn nhân.
- Chỉ được phép vận chuyển trẻ bị đuối nước đến cơ sở y tế khi trẻ đã có thể tự thở và mạch đập trở lại. Quá trình di chuyển cần thường xuyên theo dõi tình trạng trẻ.
5. Phòng ngừa đuối nước:
- Không để trẻ nhỏ một mình ở nhà;
- Không để trẻ chơi gần ao, hồ, kênh rạch, sông mà không có sự giám sát của người lớn;
- Dạy bơi cho trẻ
- Hạn chế, kiểm soát các nguy cơ ngạt nước trong gia đình và cộng đồng, đậy kín các vật chứa nước trong nhà;
- Dự phòng, huấn luyện sơ cứu ngạt nước, chủ động chuẩn bị phương tiện cứu hộ, sơ cứu ngạt nước trong mùa mưa bão;
- Đảm bảo an toàn đi lại, sinh hoạt cho trẻ trong mùa mưa bão....
Dạy bơi cho trẻ là một phương pháp hữu hiệu làm giảm nguy cơ đuối nước
9/6/2020
Long Thành