Say nắng, say nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, trên 40℃, thường kèm theo tổn thương thần kinh. Ở Việt Nam say nắng, say nóng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Không chỉ có biểu hiện: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu,...mà còn có thể gây đột quỵ, nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và tử vong.
Khi thời tiết oi bức, nắng nóng kéo dài, ở những người lớn tuổi có bệnh lý nội khoa đi kèm như cao huyết áp, đái tháo đường... và trẻ em dưới 4 tuổi sẽ dễ mắc bệnh hơn, nhất là tình trạng say nắng, say nóng.
Có 2 loại say nắng, say nóng
- Say nắng, say nóng do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và dẫn tới nhiệt độ tăng trên 40℃, bệnh có thể diễn biến chậm trong vài ngày sau đó dẫn tới rồi loạn ý thức (tổn thương thần kinh). Có 2 đặc điểm chính là tăng thân nhiệt và triệu chứng thần kinh trung ương.
- Say nắng, say nóng do gắng sức gặp ở các vận động viên hoặc người trẻ vận động quá mức nên triệu chứng xuất hiện nhanh trong vài giờ và nhiệt độ môi trường ngoài không cần phải quá cao.
Say nắng, say nóng do tiếp xúc với môi trường nóng bên ngoài và dẫn tới nhiệt độ tăng trên 40℃
Dấu hiệu nhận biết say nắng, say nóng
Người bị say nắng, say nóng thường có những biểu hiện như:
• Mặt đỏ, vã mồ hôi, đau đầu choáng váng, nôn mửa, tiêu chảy.
• Nhiệt độ cơ thể có thể > 40°C, da nóng và khô.
• Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời.
• Hồi hộp đánh trống ngực, tăng nhịp tim.
• Khó thở tăng dần, thở dốc.
• Chuột rút.
• Ngất, hôn mê, ly bì mê sảng bất tỉnh.
Nguyên nhân chính dẫn đến say nắng, say nóng
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng say nắng do tăng thân nhiệt quá mức, thường > 40°C. Lao động/đi quá lâu ngoài trời nắng, nắng chiếu thẳng vào vùng cổ gáy làm rối loạn điều hòa thân nhiệt.
Còn nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc say nóng là do tình trạng cơ thể bị mất nước toàn thân và mất muối, có thể dẫn đến sốc nhiệt. Phải làm viêc trong điều kiện môi trường nhiệt độ cao nóng bức (hầm lò, trong phòng kín…)/hoạt động thể lưc quá sức ở người trẻ (chơi các môn thể thao cường độ cao, làm việc nặng nhọc kéo dài)…
Nguy cơ nếu không được xử trí kịp thời
Say nắng say nóng nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới suy chức năng hệ thần kinh trung ương như: Co giật, hôn mê, mê sảng, đại tiểu tiện ra máu, xuất huyết não, khó thở và nặng nhất nạn nhân sẽ tử vong.
Nguyên tắc xử trí
• Nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi thoáng mát, nới rộng hoặc bỏ bớt quần áo.
• Nếu nạn nhân tỉnh thì cho uống oresol, hoặc nước, nước chanh mát có muối…
• Chườm mát hoặc nước đá ở nách, bẹn, cổ.
• Nạn nhân bất tỉnh hoặc nôn liên tục, sốt liên tục kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở gọi cấp cứu/chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân
• Nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở - ngừng tim tiến hành hồi sinh tim phổi (CPR) và chuyển đến cơ sở y tế.
Uống nhiểu nước là một trong những phương pháp thông dụng và hiệu quả
Biện pháp phòng tránh
• Khi đi ngoài trời nắng nên trang bị đầy đủ mũ rộng vành, nón khẩu trang. Hạn chế ra ngoài trời lúc cao điểm (từ 12h đến 14h).
• Khi học tập ngoài trời giáo viên cần chọn chỗ mát có bóng cây và cho các em tập vừa sức, quan tâm những em mắc bệnh mãn tính/bẩm sinh.
• Không làm việc quá lâu ngoài trời nắng hoặc trong môi trường nóng bức cũng như tránh các hoạt động thể lực quá sức. Định kỳ 45 phút đến 1 tiếng nên vào nghỉ chỗ thoáng, mát khoảng 15 phút.
• Thường xuyên uống nước mặc dù không khát khi trời nóng hoặc lao động nặng. Tốt nhất là uống oresol hoặc cho muối vào nước, nước hoa quả.
• Luôn trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo thấm mồ hôi, quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt là các công xưởng, hầm lò.
• Vào mùa nắng nóng, chúng ta cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi.
• Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe hơi đỗ, tắt máy, trong thời tiết nắng nóng dù chỉ để trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe hơi có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút.
Mô hình điểm hỗ trợ tránh nắng miễn phí tại Hà Nội dành cho cộng đồng
Hoàng Tùng
27/5/2020