Sáng 14/9, tại Đà Nẵng, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu thế giới năm 2019, mang chủ đề “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương”.
Tham dự Lễ kỷ niệm có bà Trần Thị Hồng An - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; bà Trịnh Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng; đại diện các bộ, ngành, cơ quan T.Ư và thành phố Đà Nẵng; đại diện nhà tài trợ, đối tác, các ban, đơn vị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng 500 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các ban, ngành tại thành phố Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Trần Thị Hồng An phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, bà Trần Thị Hồng An – Phó Chủ tịch T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhấn mạnh ý nghĩa kỷ niệm “Ngày sơ cấp cứu thế giới” và kêu gọi mọi người ý thức, trang bị kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu để giúp mình và hỗ trợ cứu sống những người xung quanh trong các tình huống khẩn cấp trước khi có thể tiếp cận được các nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế, điều đó góp phần làm giảm thiểu rủi ro, tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho mỗi người dân, tạo nên một cộng đồng an toàn, trợ giúp lẫn nhau trong mọi tình huống.
Việt Nam là một trong số các nước có tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý Môi trường y tế - Bộ Y tế, năm 2018 cả nước có 1.226.704 trường hợp mắc tai nạn thương tích, trong đó có 9.745 trường hợp tử vong, chiếm tỉ lệ 0,73% so với tổng số mắc tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 47,91%, tiếp theo là đuối nước 12,31%, tự tử 11,45%, tai nạn lao động 6,81%.
Các tình nguyện viên tham gia diễn tập sơ cấp cứu
Sơ cấp cứu là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, đã được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ năm 2008.
Tại thành phố Đà Nẵng, hoạt động sơ cấp cứu được chú trọng. Tính đến tháng 6/2019, các cấp Hội tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của 22 điểm sơ cấp cứu an toàn giao thông và 44 điểm sơ cấp cứu tại cộng đồng đã sơ cứu cho 139 trường hợp bị tai nạn giao thông; Triển khai thực hiện Đề án huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu cho giáo viên mầm non và nhóm trẻ tư thục trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt và đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 300 giáo viên mầm non; Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Thành hội đã phối hợp tập huấn 14 lớp cho 700 cán bộ, nhân dân trên địa bàn các phường, xã; tuyên truyền, hướng dẫn về sơ cấp cứu tại cho 15.250 học sinh; tổ chức 19 lớp tập huấn theo hợp đồng về sơ cấp cứu và phòng tránh đuối nước cho 550 người trong các cơ quan, doanh nghiệp.
Diễn tập sơ cấp cứu
Tại Lễ kỷ niệm, T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp các đơn vị tài trợ trao tặng 21 túi sơ cấp cứu cho 21 điểm sơ cấp cứu tại Đà Nẵng và phát động nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ.
Trong khuôn khổ chương trình, cũng tổ chức thao diễn Sơ cấp cứu tình huống tai nạn giao thông” do tình nguyện viên sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵngthực hiện với tình huống giả định là: Mọi người đang tham gia giao thông trên đường. Một xe ô tô do tài xế đi tốc độ nhanh, vào cua bị mất lái đã va chạm với các 2 xe máy cùng chiều chở theo 2 người; 1 người bán hàng rong dắt xe đạp cùng 3 người khách đang mua hàng đã làm hàng loạt người ngã ra đường và bị thương. Các tình nguyện viên Chữ thập đỏ sơ cấp cứu cho 8 người bị thương, gồm: Ngừng thở, ngừng tim; Chấn thương cột sống; Gãy kín xương đùi; Gãy kín xương cẳng chân; Gãy kín xương cẳng tay;Thủng bụng lòi ruột; Chảy máu ở ngực;Chảy máu ở cẳng chân.
T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ
Hoạt động diễn tập này nhằm giúp mọi người nâng cao ý thức sơ cấp cứu, khả năng xử lý tình huống tai nạn giao thông tại cộng đồng và sự phối hợp của các lực lượng chức năng.
Ngày Sơ cấp cứu thế giới được tổ chức vào ngày thứ 7 tuần thứ 2 của tháng 9 hàng năm. Ngày Sơ cấp cứu thế giới do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc phát động lần đầu tiên vào năm 2000 nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về tầm quan trọng của sơ cấp cứu trong phòng tránh tai nạn thương tích nói chung và tai nạn giao thông nói riêng xảy ra hằng ngày hoặc trong các tình huống khẩn cấp. Hàng năm, có khoảng hơn 100 Hội Chữ thập đỏ các quốc gia trên toàn thế giới tham gia kỷ niệm ngày Sơ cấp cứu thế giới. Đến nay, các thành viên trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tham gia hưởng ứng với nhiều hoạt động đạt hiệu quả cao.
Chủ đề của Ngày sơ cấp cứu thế giới năm nay là “Sơ cấp cứu cho những người dễ bị tổn thương” với các thông điệp: "Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo"; "Sơ cấp cứu, không để ai bị bỏ lại phía sau"; "Tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi, đặc biệt những người dễ bị tổn thương đều có thể học sơ cấp cứu và tham gia cứu người",…
Nguồn: www.redcross.org.vn