Hội thảo Giới thiệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi

Hỗ trợ trực tuyến
Tổng đài tư vấn
Hotline
Vân Anh
0964123385
Tin mới
Liên kết website
Đối tác
  • Quảng cáo trái 1
  • Học kỳ nhân ái - Trải nghiệm yêu thương
  • Huấn luyện sơ cấp cứu trong cộng đồng

Hội thảo Giới thiệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi

Hội thảo Giới thiệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi
Chiều ngày 15/11/2018, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giới thiệu Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi " (Đào tạo Kaigo) - một mô hình đào tạo nhân lực chất lượng cao nghề chăm sóc người cao tuổi đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản và gắn với bố trí giải quyết việc làm sau đào tạo. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình phối hợp trong công tác nhân đạo giai đoạn 2017-2020 giữa Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

Tình trạng già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình cứ một giây trên thế giới có hai người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Năm 2015 thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi, chiếm 12,3% dân số. Con số này sẽ tăng lên hơn hai tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới. Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước có tỷ lệ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 18% dân số là người cao tuổi. Tỷ lệ dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn được gọi là “thời kỳ già hóa dân số” sau năm 2017 và trong 2 thập kỷ tiếp theo sẽ là giai đoạn “dân số già”.

Ở Việt Nam, việc chăm sóc người cao tuổi thường do người thân trong gia đình đảm nhiệm. Ở bệnh viện và cơ sở dưỡng lão cũng có nhân viên làm công việc chăm sóc như là một nghề, tuy nhiên phần chính của việc chăm sóc vẫn do người nhà đảm nhiệm. Người làm công việc chăm sóc như là một nghề mới chỉ dừng ở việc giúp đỡ đơn giản cho người bệnh và phụ giúp cho y tá và hộ lý. Công việc chăm sóc người già của Việt Nam vẫn do gia đình làm là chính và có thể nói nghề chăm sóc người già vẫn chưa thực sự được nhìn nhận đúng trong xã hội.

Các kết quả khảo sát thực trạng nhà dưỡng lão và trung tâm bảo trợ xã hội trên địa bàn Hà Nội (năm 2016-2017) cho thấy mô hình trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 3 trung tâm bảo trợ xã hội. Không chỉ thiếu về nhân lực (10 người bệnh mới có 1 nhân viên chăm sóc), cơ sở vật chất tại các trung tâm cũng nghèo nàn, thiếu dụng cụ tập phục hồi chức năng. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi, giải pháp trước mắt là cần nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi, cơ sở y tế công lập cũng như nhà dưỡng lão tại cộng đồng; cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực của cán bộ, nhân viên trong chăm sóc người cao tuổi.

Nhân viên chăm sóc có vai trò và vị trí quan trọng vì đây là những người gắn bó trực tiếp với người cao tuổi - một đối tượng chăm sóc đặc biệt. Ngoài các kiến thức, kỹ năng về nhu cầu dinh dưỡng cũng như cách phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc phải biết cách quan tâm đến nhu cầu tâm lý lẫn sinh lý của người cao tuổi một cách phù hợp. Đây là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và có nhu cầu rất lớn trong cả bệnh viện và cộng đồng, rất cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Trước thực trạng đó, Trung tâm Đào tạo cán bộ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Trung tâm) đã phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi theo Thông tư số 43/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo thường xuyên với mục tiêu Bồi dưỡng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động nhằm trang bị, nâng cao thêm kiến thức, năng lực thực hiện nghề chăm sóc người cao tuổi; bổ sung kiến thức mới, hoàn chỉnh kỹ năng nghề theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ, công việc.

 

Các đại biểu chụp ảnh tại Hội thảo

 

Theo đó, sẽ có 2 chương trình đào tạo theo cấp độ: (1) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc người cao tuổi là chương trình đáp ứng đủ những yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng nhằm đảm bảo cho người học có thể vận dụng, hành nghề tại các cơ sở y tế (có Khoa Lão khoa), Viện dưỡng lão, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi….trong nước; (2) Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nâng cao chăm sóc người cao tuổi (Chương trình đào tạo Kaigo) dành cho người đã tốt nghiệp Chương trình cơ bản - là chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng nghề phù hợp với những đặc thù khác nhau của mỗi nơi làm việc; phù hợp với sử dụng các trang thiết bị hiện đại của nơi làm việc; rèn luyện ý thức, tác phong, thái độ làm việc phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước nơi làm việc; phù hợp với pháp luật, các quy định của nước sở tại.

Đây là chương trình đào tạo thường xuyên, với thời gian mỗi khóa học dưới 3 tháng, trong đó thời gian thực hành kỹ năng mỗi khóa học tối thiểu 80% thời lượng toàn khóa. Việc tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng, rèn luyện tác phong làm việc và thực hành được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo cán bộ. Việc thực tập kỹ năng giai đoạn trước mắt được Trung tâm Đào tạo cán bộ tổ chức liên kết với các Viện dưỡng lão, các bệnh viện để đưa học viên đến thực tập. Từ năm 2019, Trung tâm sẽ triển khai xây dựng cơ sở thực tập riêng để quá trình đào tạo được khép kín. Công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, có trình độ văn hóa THPT trở lên, có đủ sức khỏe và có nguyện vọng học tập đều có thể tham gia chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi có đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài nước với mô hình đào tạo tiến tiến với đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thực hành, thực tập đạt tiêu chuẩn của Nhật Bản. Chương trình đào tạo này đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt.

Đây là mô hình đào tạo tiên tiến, khép kín: Người học được học tập kiến thức, kỹ năng rèn luyện tác phong, kỷ luật làm việc, nề nếp trong sinh hoạt và thực hành ngay trong một cơ sở đào tạo; Là chương trình có tính mở: Các thông tin về nội dung, địa điểm, thời lượng khóa học được công bố rộng rãi đến người học; Là chương trình có tính liên thông: Có sự liên thông logic giữa các mô-đun và liên thông giữa 2 chương trình đào tạo cơ bản và nâng cao; Là chương trình có tính linh hoạt: Người học có thể vừa học vừa đi làm; Là chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên khung chương trình đào tạo nhân viên chăm sóc trình độ sơ cấp của Nhật Bản. Chương trình đào tạo gắn với tạo cơ hội việc làm, đào tạo theo yêu cầu của nhà tuyển dụng cụ thể.

Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi là chương trình đào tạo nguồn nhân lực góp phần chăm sóc những người cao tuổi, người yếu thế thiệt thòi trong xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập cho người lao động.

Tới tham dự buổi Hội thảo có đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Hiệp hội Đào tạo nghề và nghề Công tác xã hội, đại diện các công ty xuất khẩu lao động nhân lực nghề chăm sóc người cao tuổi. Về phía Nhật Bản có đại diện: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực Châu Á;

Đại diện Bộ Lao động, thương binh và xã hội, TS.Trương Anh Dũng – Phó tổng cục trưởng tổng cục giáo dục nghề nghiệp cho rằng đây là một chương trình hết sức ý nghĩa đáp ứng được nguồn nhân lực đang thiếu hụt không chỉ trong nước và xuất khẩu đi nước ngoài, giải quyết việc làm cho nhiều người.

Trong buổi Hội thảo ngoài việc giới thiệu chi tiết về chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc người cao tuổi, các đại biểu còn được chứng kiến lễ công bố hợp tác giữa Trung tâm Đào tạo cán bộ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực Châu Á để triển khai chương trình đạo tạo tại Việt Nam.

 

Sau 3 tiếng hội thảo, các câu hỏi đến từ các Bộ, ban, ngành, các công ty xuất khẩu lao động, các cơ quan báo chí liên quan đến chương trình, cơ hội hợp tác, cơ hội nghề nghiệp sau đào tạo... đã được Trung tâm Đào tạo cán bộ và đại diện công ty Phát triển đào tạo nguồn nhân lực Châu Á làm rõ. Hội thảo đã khép lại nhưng mở ra một cơ hội việc làm mới cho mọi người.

 

 

 

 16/11/2018  

Minh Phương