BIỂU TƯỢNG VÀ VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ

Hỗ trợ trực tuyến
Tổng đài tư vấn
Hotline
Vân Anh
0964123385
Tin mới
Liên kết website
Đối tác
  • Quảng cáo trái 1
  • Học kỳ nhân ái - Trải nghiệm yêu thương
  • Huấn luyện sơ cấp cứu trong cộng đồng

BIỂU TƯỢNG VÀ VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ

BIỂU TƯỢNG VÀ VIỆC SỬ DỤNG BIỂU TƯỢNG CHỮ THẬP ĐỎ
Kỷ niệm 157 năm ra đời phong trào Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5/1863-8/5/2020). Tính đến nay, đã có 192 Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia trên thế giới là thành viên của Phong trào, thực thi các hoạt động nhân đạo khắp các châu lục, thực sự trở thành xu thế phát triển tiến bộ trên toàn cầu

 

Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đó quốc tế được cấu thành bởi Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia; là tổ chức lớn nhất trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo. Mục tiêu cơ bản nhất của Phong trào là góp phần phòng ngừa, giảm bớt đau thương và bảo vệ nhân phẩm con người. Thông qua những ý tưởng nhân đạo của mình, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế tập hợp hàng triệu hội viên các chủng tộc, tín ngưỡng và hoàn cảnh xã hội. Nhân kỷ niệm ngày thành lập, Trung tâm Đào tạo cán bộ xin được viết đôi nét về biểu tượng và việc sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.

 

I. Lịch sử của Biểu tượng

 

1859: Henry Dunant đã chứng kiến trận Solferino, nơi có hàng nghìn binh sĩ bị thương đã chết vì không được cứu chữa, thi thể của họ đã bị cướp bóc và thú dữ ăn thịt. Lực lượng quân y không đủ để hoàn thành nhiệm vụ, và một trong những nguyên nhân chính là họ không được phân biệt bằng một biểu tượng thống nhất để hai bên tham chiến dễ dàng nhận ra được

1863: Một Hội nghị ngoại giao quốc tế đã nhóm họp tại Geneva, cố gắng để tìm ra những biện pháp khắc phục sự bất lực của lực lượng quân y trên chiến trường. Hội nghị thông qua dấu hiệu" Chữ thập đỏ trên nền trắng"  những tổ chức cứu trợ thương binh. Đó là các Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia sau này. Nhằm tôn vinh quốc gia sáng lập ra Phong trào Chữ thập đỏ quốc tế, Hội nghị đã quyết định sử dụng dấu hiệu “Chữ thập đỏ trên nền trắng” ngược lại với quốc kỳ của nước Thuỵ Sỹ (Chữ thập đỏ trắng trên nền đỏ)

1864: Công ước Geneva thứ nhất, ngày 22/8/1864 được chính thức thông qua, trong đó biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng được công nhận.

1876: Trong cuộc chiến tranh Nga-Thổ, trận chiến ở Balkan, Đế quốc  Ottoman đã quyết định dùng một hình Trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trắng thay cho Chữ thập đỏ. Ai Cập cũng chọn hình Trăng lưỡi Liềm đỏ, sau đó Ba Tư chọn  hình một con Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ trên nền trắng. Những quốc gia này có một số bảo lưu một số điều trong Công ước Geneva và những dấu hiệu riêng của họ đã được ghi vào Công ước năm 1929.

1949: Điều khoản 38 của Công ước Geneva thứ nhất, ngày 22/8/1864  khẳng định những biểu tượng của Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ trên nền trắng phải được bảo vệ. Vì vậy không được phép sử dụng bất cứ biểu tượng nào khác ngoài biểu tượng Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Sử tử đỏ và Mặt trời đỏ.

1980: Nước Cộng hoà Hồi giáo Iran quyết định bỏ biểu tượng Sư tử đỏ và Mặt trời đỏ, mà thay thế bằng biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ.

1982: Hiệp hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế thông qua biểu tượng của Hiệp hội là Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nằm trong một khung chữ nhật viền đỏ trên nền trắng.

2005: Ngày 8/12/2005, các quốc gia là thành viên của các Công ước Geneva năm 1949 đã thông qua Nghị định thư bổ sung III về Biểu tượng, trong đó công nhận thêm một biểu tượng mới: Biểu tượng Pha lê đỏ.  Nghị định thư giúp cho các quốc gia và các Hội quốc gia linh hoạt hơn trong việc sử dụng các biểu tượng và cho phép các Hội quốc gia không thể sử dụng Chữ thập đỏ hay Trăng lưỡi liềm đỏ trở thành thành viên đầy đủ của Phong trào, miễn là họ đáp ứng các điều kiện khác về việc công nhận. Biểu tượng này có thể được công nhận và sử dụng như biểu tượng Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ.

 

II. Nhận dạng của các Biểu trưng

 

Các biểu trưng của các thành phần trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế như sau:

 

1. Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

 

 

2. Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế:

 

 

3. Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

 

 

4. Các Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ, Pha lê đỏ quốc gia

 

      

 

 

III. Sử dụng Biểu tượng

            Các biểu tượng: Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ và Pha lê đỏ có chức năng như nhau, được các Hội quốc gia trong Phong trào sử dụng. Mỗi biểu tượng sử dụng đều có hai mục đích: Bảo vệ và nhận diện.

 

1. Mục đích bảo vệ:

            Đây là mục đích cơ bản của biểu tượng, khi có xung đột, các bên tham chiến không được tấn công, không được xâm phạm những nơi có biểu tượng. Biểu tượng thường phải có kích thước lớn.

            Biểu tượng dùng để bảo vệ cho các đơn vị quân y, các đơn vị y tế của Hội quốc gia (bệnh viện, trạm cấp cứu) và phương tiện giao thông vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường không) được giao nhiệm vụ cứu thương; các cơ sở y tế dân sự (bệnh viện, trạm cấp cứu) được Chính phủ và các cấp chính quyền giao nhiệm vụ cứu chữa thương binh trong chiến tranh và hoạt động nhân đạo không thu tiền; các tổ chức cứu trợ tình nguyện khác được Chính phủ cho phép hoạt động phục vụ cứu thương; họ được dùng biểu tượng cho nhân viên hoặc thiết bị khi phục vụ trong các đơn vị y tế của lực lượng vũ trang.

 

2. Mục đích nhận diện:

            Với mục đích nhận diện, biểu tượng được sử dụng chủ yếu trong thời bình để cho biết rằng một cá nhân hoặc tài sản phương tiện có liên quan tới Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc là một Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia, hoặc Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hoặc Uỷ ban Chữ thập đỏ quốc tế. Biểu tượng thường có kích thước nhỏ hơn. Biểu tượng này dùng để nhắc nhở rằng những tổ chức mang biểu tượng làm việc theo những nguyên tắc cơ bản của Phong trào.

 

 

 

IV. Những cá nhân và phương tiện tài sản được quyền sử dụng Biểu tượng

 

1. Mục đích bảo vệ ( Kích thước lớn)

 

Các đơn vị y tế của các lực lượng vũ trang sẽ dùng biểu tượng như một phương tiện bảo vệ khi có xung đột.

Các đơn vị y tế của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia (bệnh viện, trạm cấp cứu...) và phương tiện giao thông vận tải (đường bộ, đường thuỷ, đường không) được giao nhiệm vụ cứu thương khi có xung đột được sử dụng biểu tượng như một phương tiện bảo vệ trong hoà bình và có sự cam kết của chính quyền.

Các bệnh viện dân sự đã được chính phủ công nhận cũng được phép sử dụng biểu tượng như phương tiện bảo vệ.

Tất cả các cơ sở y tế dân sự (bệnh viên, trạm cấp cứu) được công nhận và được phép của các cấp chính quyền có thẩm quyền (Điều này chỉ liên quan đến các Chính phủ tham gia Nghị định thư bổ sung I).

Các tổ chức cứu trợ tình nguyện khác cũng hoạt động theo những điều kiện tương tự các Hội quốc gia: Họ phải được chính phủ công nhận và cho phép; Họ chỉ có thể dùng biểu tượng cho các trường hợp là nhân viên hoặc  thiết bị phục vụ trong các  đơn vị y tế của lực lượng vũ trang; Họ phải tuân theo các quy định và luật quân sự.

 

2. Mục đích nhận diện ( Kích thước nhỏ)

Các cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia có thể mang biểu tượng, thông thường có kích thước nhỏ khi làm nhiệm vụ. Khi không làm nhiệm vụ, họ có thể đeo biểu tượng rất nhỏ. Ví dụ: dưới dạng trâm cài đầu, ghim cài ve áo hoặc huy hiệu. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, biểu tượng sẽ được đeo cùng với tên đầy đủ hoặc chữ viết tắt tên Hội quốc gia.

Đội viên thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ được phép sử dụng biểu tượng nhưng phải kèm theo các chữ Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ hoặc Thanh thiếu niên Trăng lưỡi liềm đỏ hoặc các chữ viết tắt "TTN CTĐ - TLLĐ".

Những người được Hội quốc gia cho phép, những người đã tham gia các khoá học hoặc các kỳ thi của Hội quốc gia có thể đeo biểu tượng với kích thước nhỏ kèm tên hoặc chữ viết tắt tên Hội quốc gia.

Nhà cửa, trụ sở, tài sản được Hội quốc gia sử dụng có thể được đánh dấu bằng biểu tượng và kèm theo tên Hội quốc gia, dù những tài sản này có thuộc sở hữu của Hội hay không. Khi Hội quốc gia chỉ sử dụng một phần của toà nhà, thì biểu tượng sẽ được treo hoặc dán ở phần được Hội sử dụng. Biểu tượng nên có kích thước nhỏ, không nên dán, treo trên mái nhà để tránh trường hợp khi có xung đột vũ trang, sẽ có sự hiểu lầm biểu tượng được sử dụng với mục đích bảo vệ. Hội quốc gia không đánh dấu biểu tượng lên những toà nhà, tài sản thuộc về mình nhưng đã cho thuê mượn.

Các bệnh viện, trạm cấp cứu, xe cứu thương và các phương tiện vận chuyển khác do Hội quốc gia sử dụng có thể treo biểu tượng cùng với tên của Hội.

 

3. Kích thước của biểu tượng.

            Công ước quốc tế Geneva ngày 12 tháng 8 năm 1949 mà hầu hết tất cả các Chính phủ trên thế giới đều công nhận quy định chặt chẽ ý nghĩa bảo vệ  của biểu tượng. Trong thời gian có xung đột, ở trên chiến trường,  những dấu hiệu này thường được làm bằng những nguyên vật liệu và màu sắc có sẵn. Do đó khó có thể làm một biểu tượng chính xác như bản mẫu ngay trên chiến trường.

            Tuy nhiên, khi đưa ra một hình ảnh về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, điều quan trọng là phải có một sự nhất quán trong việc giới thiệu biểu tượng. Trừ khi biểu tượng được sử dụng với mục đích bảo vệ, nên có tên xác định của một đơn vị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia ghi kèm theo. Biểu tượng cộng với tên gọi cụ thể được gọi là Biểu trưng. Mỗi đơn vị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ nên có hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng và sử dụng Biểu trưng của mình.

            Biểu tượng luôn được trình bày trên nền trắng, màu đỏ của Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ là màu được sử dụng cho biểu tượng.

  • Màu đỏ của biểu tượng được pha từ 100 % màu vàng và 100% màu đỏ tươi. PANTONE 485 cũng được dùng cho màu đỏ của biểu tượng.
  • Khi ấn phẩm chỉ có màu đen ( báo, tạp chí..) , màu xanh đen 60 %  được dùng cho màu biểu tuợng.
  • Biểu tượng Chữ thập đỏ được tạo bởi 5 ô vuông bằng nhau.
  • Biểu tượng Trăng lưỡi liềm đỏ được tạo bởi 2 vòng tròn cùng bán kính nhưng lệch tâm.
  •  

V. Các quy định về sử dụng Biểu tượng tại Việt Nam.

 

            Thấy rõ được tầm quan trọng của việc sử dụng đúng biểu tượng Chữ thập đỏ, ngày 3 tháng 6 năm 2008, Luật hoạt động Chữ thập đỏ đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ III và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Tại Chương III (điều 14, 15 & 16)  của Luật hoạt động Chữ thập đỏ có quy định:

 

Điều 14 quy định:

           “Biểu tượng chữ thập đỏ là hình chữ thập màu đỏ, trên nền trắng. Biểu tuợng chữ thập đỏ đựợc tôn trọng và được pháp luật bảo hộ. Biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết người đang thực hiện hoạt động chữ thập đỏ và cơ sở, phương tiện, hiện vật được sử dụng trong hoạt động chữ thập đỏ. Trong các cuộc xung đột vũ trang, biểu tượng chữ thập đỏ là dấu hiệu để nhận biết và bảo vệ người, cơ sở và phương tiện, hiện vật mang biểu tượng này”.

 

 Điều 15 quy định về việc sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ:

           “Biểu tượng chữ thập đỏ được sử dụng khi tiến hành hoạt động chữ thập đỏ và tại cơ sở, trên phương tiện, hiện vật của Hội Chữ thập đỏ. Khi có xung đột vũ trang, biểu tuợng chữ thập đỏ được sử dụng theo quy định của các công ước Gio-ne-vo có liên quan, các nghị định thư bổ sung mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên".

 

 Điều 16 quy định về Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ:

           “Biểu tượng trăng lưỡi liềm đỏ, biểu tượng pha lê đỏ do tổ chức quốc tế, tổ chức nước ngoài thuộc Phong trào chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế sử dụng ở Việt Nam được tôn trọng và được pháp luật bảo hộ”.

 

Trong lịch sử phát triển, Hội CTĐ Viêt Nam và Bộ Y tế đã có nhiều công văn quy định về việc sử dụng Biểu tượng tại Việt nam: Thông tư số 100/BYT-TT ngày 25/02/1958, Thông tư số 01/BYT-TT ngày 16/02/1959, Công văn số 851/PC ngày 04/03/1989, Công văn số 924 VP1 và mới nhất là Công văn số 7464/BYT-KCB ngày 29/10/2009. Trong Công văn số 7464/BYT-KCB nêu rõ:

 

            1. Các cơ sở y tế chỉ sử dụng Biểu tượng Chữ thập đỏ khi tham gia các hoạt động Chữ thập đỏ theo quy định tại điều 2 của Luật Hoạt động Chữ thập đỏ.

            2. Tại các cơ sở y tế và khi tiến hành các hoạt động y tế ngoài các cơ sở y tế, không phải hoạt động Chữ thập đỏ, các cơ sở y tế không được sử dụng biểu tượng Chữ thập đỏ.

 

Minh Phương

08/5/2020